Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Khả năng cầm nắm và các mốc phát triển

Khả năng cầm nắm
Học cách cầm đồ vật giúp các em bé tham gia vào thế giới đồ chơi. Khả năng nắm giữ đồ vật còn là bước đầu tiên trong quá trình tập ăn, tập đọc, tập viết và tự chăm sóc bản thân. Khi nào bé biết cầm đồ vật

Các em bé sơ sinh có khả năng bẩm sinh để cầm nắm đồ vật, nhưng bé phải mất ít nhất một năm để phát triển khả năng phối hợp giữa nhặt và giữ đồ chơi trên tay. Bé bắt đầu học kỹ năng này khi bé 3 tháng tuổi và mỗi tháng bé đều có những tiến bộ nhảy vọt.

Quá trình phát triển

Từ khi mới sinh đến 2 tháng tuổi

Các em bé sơ sinh có phản xạ cầm nắm. Khi bạn sờ vào lòng bàn tay của con bạn, bé sẽ nắm lấy ngón tay bạn. Nhưng trong 8 tuần đầu, phản xạ này chỉ là phản xạ bản năng và không có chủ định. Đôi tay của con bạn hầu như nắm chặt trong thời gian đầu, nhưng bé sẽ biết cách mở ra và nắm lại có mục đích và để tìm hiểu về chúng. Thậm chí, bé có thể cầm những đồ vật mềm mại như thú nhồi bông.

3 tháng tuổi

Con bạn vẫn chưa thể cầm được những thứ bé muốn, nhưng bé có thể lật đi lật lại đồ chơi. Bé còn phát triển khả năng phối hợp giữa tay và mắt, chú ý tới những thứ mà bé muốn cầm và bé thử nhặt chúng lên. Sàn nhà rộng rãi rất tiện lợi đối với bé bởi vì bé có thể nằm lên một chiếc thảm mềm mại và đập vào những đồ chơi treo ở trên.

4 đến 8 tháng

Khoảng 4 tháng tuổi, bé có thể cầm những đồ vật to (như các hình khối). Nhưng bé vẫn chưa biết cầm những vật nhỏ (như các hạt nhựa) cho đến khi bé khéo tay hơn. Trước khi con bạn mọc chiếc răng đầu tiên (thường trong khoảng thời gian bé từ 3 đến 12 tháng tuổi), bé sẽ bắt đầu biết nhặt đồ vật để cho vào mồm. Nếu bé ăn những thức ăn rắn, bé sẽ thử cầm thìa mặc dù bé cầm chưa chắc. Bé có thể kéo đồ chơi về phía mình và bắt đầu chuyền đồ vật từ tay này sang tay kia. Bạn hãy cất đồ vật có giá trị ngoài tầm với của bé.

9 đến 12 tháng tuổi

Bé chỉ cần một chút cố gắng là có thể nhặt được đồ chơi, và giai đoạn này bé bắt đầu thích dùng tay phải hoặc tay trái. Tay thuận sẽ khéo léo và khoẻ hơn. Nhưng bạn không thể hướng bé thuận tay phải hay thuận tay trái cho đến khi bé 2 hoặc 3 tuổi. Bé còn có thể cầm được những đồ vật nhỏ (như các hạt nhựa) giữa ngón trỏ và ngón cái. Và khi bé phối hợp tay tốt hơn, bé có thể dùng thìa và dĩa khá thành thạo.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo

Khi con bạn cầm thành thạo, bé sẽ ném đồ vật về phía sau, do đó bạn phải chú ý tới bé. Nhiều bé thích ném mạnh đồ chơi để cho bạn nhặt lên. Khoảng 1 tuổi, bé thích chơi bóng, thích xếp các toà tháp và đập đồ vật vào nhau. Khoảng 2 tuổi, bé thích chơi với bút sáp màu và sử dụng chúng để vẽ và viết. Khi bé 3 tuổi, bé có thể phối hợp tay để viết một vài chữ, đó có thể là tên bé.

Vai trò của bạn

Để đánh giá phản xạ cầm nắm của bé, bạn thử đặt một đồ chơi hoặc đồ vật sặc sỡ ngoài tầm với của bé và khuyến khích bé lấy đồ vật đó. Nhưng bạn đừng đặt đồ vật đó quá xa đến nỗi mà bé không thể lấy được hoặc khiến bé thất vọng. Bạn hãy cho bé nhiều đồ chơi dễ cầm, như các hình khối mềm, những chiếc vòng nhựa và những quyển sách bằng bìa cứng. Sau khi bé có thể cầm đồ vật giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ, bạn hãy khuyến khích bé nhón thức ăn (như đậu Hà Lan hoặc cà rốt) bằng tay- bé sẽ dùng thìa và dĩa khi bé sẵn sàng.

Khi nào thì bạn cần quan tâm tới bé

Nếu bé 8 tuần tuổi tỏ ra không thích bất cứ thứ gì mà bạn đặt trước mặt bé, và một bé 9 tháng tuổi không thử lấy hoặc không thử nhặt đồ chơi, thì bạn hãy thảo luận với bác sĩ những vấn đề mà bạn quan tâm. Nhiều em bé sinh non có thể phát triển chậm hơn các bạn cùng tuổi.


Nguồn: Baby Center

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét